MAY ĐO PHẦN MỀM

Mình đọc được khái niệm “may đo phần mềm” lần đầu tiên cách đây cũng phải hơn chục năm trên tạp chí PCWorld khi còn đang đi học. Khái niệm sử dụng để chỉ về việc xây dựng hệ thống phần mềm, hệ thống thông tin theo đặc thù của doanh nghiệp.

Dạo gần đây, tích cực đi gặp, trao đổi và tư vấn khách hàng nhiều hơn mới thấy khái niệm Phần mềm may đo vẫn còn nguyên tính thời sự. Mặc cho sự phát triển ngày càng nhanh, càng mạnh của các giải pháp cloud, các giải pháp đóng gói (tây ta có đủ) chỉ phù hợp cho một tập đối tượng doanh nghiệp nào đó, thì phần đa các doanh nghiệp vẫn rất cần các giải pháp may đo cho phù hợp với đặc thù của họ.

Việc chủ doanh nghiệp quyết định chọn cho mình “bộ quần áo” bán sẵn ngoài siêu thị hay tìm một “nhà may” nào đó đến để “may đo” cho mình một “bộ đồ” phù hợp, vừa vặn về size, thẩm mỹ lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nó phụ thuộc vào tay nghề của “nhà may”, phụ thuộc vào tầm nhìn của “nhà thiết kế” (thiết kế sao để may ra bộ đồ không quá rộng trong hiện tại nhưng lại vừa vặn trong tương lai, hoặc có thể gắn thêm “đồ chơi” trong tương lai), phụ thuộc cả vào chi phí đầu tư nữa …

Hơn chục năm trong nghề “may đo” ra giải pháp, hệ thống quản lý cho doanh nghiệp, có lẽ cái nghiệp này vẫn bám lấy mình, vẫn thấy rằng nó còn rất nhiều đất để khai phá. Nhưng, muốn sống được với nghề này thì bằng kinh nghiệm thôi chưa đủ, có lẽ phải tự làm mới mình, tự tìm thêm các “mẫu thiết kế” mới, học thêm “kỹ năng” mới để không lỗi mốt, để khách hàng không phải khoác lên người những mẫu thiết kế quá cũ kỹ, lỗi mốt và không hợp thời.