Kỹ niệm về những người thầy
Nhân ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam 20/11, xin chân thành gửi tới toàn thể thầy cô giáo, cô gì chú bác, anh chị em, bạn bè, những người đã – đang và sẽ mang trong mình trọng trách hết sức lớn lao mà dân tộc giao phó, trọng trách dìu dắt từng thế hệ học sinh – sinh viên Việt Nam lớn lên, hội nhập lời chúc mừng sức khỏe, hạnh phúc, thành công …
Trong mỗi chúng ta, có lẽ ai cũng đã từng đi học, ai cũng có những người thầy, người cô. Riêng tôi, 1 năm gắn bó với trường làng, 9 năm trường xã, 3 năm trường huyện và hơn 4 năm trong ngôi trường đại học và tất nhiên là hơn 24 năm trường đời, đó là cả một quá trình theo đuổi cái sự học dài lê thê.
Chắc chắn chẳng ai học được mà không có thầy cô. Học ở trường thì có thầy cô, tự học qua sách vở thì gọi sách là thầy, thời bây giờ hiện đại có Internet thì gọi các Search Engine (google, yahoo …) là thầy. Bản thân tôi cũng vậy, qua mỗi giai đoạn, mỗi quá trình đều có những người thầy, người cô tận tình chỉ bảo. Mỗi thầy cô mà tôi học đều để lại trong tôi những ấn tượng khó phai. Xin gửi tới các thầy, các cô lời chúc tốt đẹp nhất, xin chúc thầy cô mạnh khỏe, mãi mãi là những người khai sáng cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên. Nhân ngày này, xin kể về những người thầy, người cô đã để lại trong em những dấn ấn đặc biệt, đánh dấu sự thay đổi nhận thức của em về một vấn đề này đó.
Khi còn học lớp 4 trường xã, có một cô giáo mà cho đến bây giờ tôi cũng không quên. Lúc đó, cô là giáo viên trẻ, mới chuyển về trường và được phân công chủ nhiệm lớp tôi (lớp 4A). Hồi học tiểu học, giáo viên chủ nhiệm là người dạy hết tất cả các môn từ Toán, văn, lịch sử cho tới thể dục, thủ công. Trong mắt lũ học trò bọn tôi lúc đó, có lẽ cô là một người thật tuyệt vời, cái gì cô cũng biết. Lớp tôi lúc đó có một số bạn là con nhà khá giả có bố mẹ làm cán bộ viên chức và các bạn ấy cũng học rất giỏi đến nhờ cô dạy thêm cho các bạn, và cô đã nhận lời. (lúc đó có bạn Thu Trang, Thu Thủy, Chính – bây giờ chỉ còn liên lạc với Chính, còn mấy bạn kia thì không còn học chung từ năm lên lớp 5). Nhà tôi lúc đó mặc dù bố cũng làm cán bộ (bố tôi làm công an xã) nhưng nhà thì không được khá giả lắm nên bố mẹ không thể cho tôi đi học thêm ở nhà cô được. Rồi vì học lớp của cô nên cô đã cho phép tôi đến nhà cô để học thêm mà không lấy học phí, lúc đó tôi rất vui vì được đi học thêm (tất nhiên học thêm thì học nhiều thứ hơn là học trên lớp và thế hệ của chúng tôi được giáo dục là học càng nhiều càng tốt). Mãi kể về cô mà quên chưa cho các bạn biết tên, cô tên là cô Đào, bây giờ nghe mẹ tôi kể lại là cô đang làm hiệu trưởng của trường. Cũng vì cô mà tôi có động lực để phấn đấu trong học tập, học để không phụ sự chú ý, dìu dắt của cô lúc còn non trẻ. Lúc trước, khi đi xa về tôi thường tới thăm cô, tuy nhiên cũng khá lâu rồi, mãi chạy theo những lo toan, những cuộc vui cùng bạn bè mà tôi chưa có dịp tới thăm lại cô. Nghe mẹ kể, mỗi khi gặp cô thì cô đều hỏi thăm về tôi, cảm ơn cô đã không quên đứa học trò nghèo này.
Một cô giáo nữa đã để lại cho tôi ấn tượng đặc biệt, cô đã cho tôi biết thế nào là một cuộc đua thực thụ giữa những người đi học, cô là cô giáo Xuân – dạy nhóm môn Toán – Lý. Đó là năm tôi học lớp 9. Từ khi bước chân đi học cho tới khi gần hết lớp 9, có lẽ tôi luôn tự hào là một học sinh giỏi, hầu như trong tất cả các kỳ thi, không kỳ thi nào gây khó khăn cho tôi, kỳ thi nào tôi cũng vượt qua một cách dễ dàng với kết quả rất cao. Cho tới năm lớp 9, lúc đó là chuẩn bị hết cấp 2 (THCS), lũ học trò chúng tôi phải chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi chuyển cấp, với tôi lúc đó chuyện đó cũng bình thường như những kỳ thi học kỳ thôi. Ở tỉnh tôi lúc đó có một ngôi trường cấp 3 là ước mơ của nhiều thế hệ học sinh trong tỉnh (Trường THPT Chuyên Lam Sơn – mãi sau tôi mới biết). Lúc đó, tôi thậm chí còn chẳng biết đến ngôi trường này nữa, lúc đó tôi chỉ nghĩ mình sẽ tiếp tục học lên trường cấp 3 của huyện thôi. Lúc đó, cô đã động viên tôi và một số bạn nữa đăng ký thi vào trường Lam Sơn, cô đã hoàn thiện mọi hồ sơ, thủ tục cho chúng tôi. Lúc đó, với tôi kỳ thi đó cũng bình thường và tôi cũng đã chủ quan với kỳ thì đó, thậm chí còn chẳng ôn bài hay học nâng cao gì hết (như tất cả các kỳ thi trước đó, chẳng bao giờ tôi ôn thi – vì học trên lớp bao nhiêu thi đã là dư rồi). Thế rồi tôi hăm hở đi thi, chỉ thi có 2 môn thôi Toán và Văn. Bước chân vào phòng thi tôi vẫn còn rất chủ quan, đến nhờ cô dạy thêm cho các bạn cho tới khi nhận được đề thi môn Toán, xin lỗi, em đọc đề mà em chẳng hiểu gì hết, cuối cùng em cũng cố gắng với số điểm nhận về là 2,5đ. Còn môn Văn em cố gắng viết cũng được 5đ, tổng số điểm là 7,5 – chắc chắn là trượt rồi, chán …, chán cho tới kỳ thi lên cấp 3 được tổ chức ở trường huyện, kết quả cũng không tốt lắm, em được có 12 điểm, cũng may là đủ điểm để đậu vào trường cấp 3 hệ công lập. Kể từ đó về sau, em đã hiểu thế nào là cuộc tranh đua, thế nào là một cuộc thi thực sự và cũng từ đó em biết mình đã chẳng là gì giữa rất nhiều người giỏi, những gì mình biết có lẽ cũng chẳng là bao nhiêu. Xin cảm ơn cô.
Lên cấp 3, trường tôi có 2 lớp (10I và 10K) là những lớp chỉ học sinh được điểm cao trong kỳ thi chuyển cấp mới được xếp vào đó, tất nhiên là tôi không được xếp vào đó rồi. Toàn bộ năm lớp 10 của tôi trôi qua với thái độ bất cần, học hành chểnh mảng, chời bời lêu lổng … cũng may lúc đó có thầy chủ nhiệm lớp 10K dạy mô toán lớp tôi. Và cũng may là tôi vẫn còn thích học môn Toán (tôi rất thích học 2 môn Toán và Vật Lý), cũng may là thầy đã tìm thấy điểm tốt của tôi giữa rất nhiều điểm sấu lúc đó (năm lớp 10 tôi làm lớp trưởng và cũng là người thường xuyên cần đầu các trò phá phách, nghịch ngợm). Và năm sau, thầy đã chuyển tôi về học lớp 11K do thầy chủ nhiệm (năm sau cũng có nhiều sự sáo trộn trong việc phân lại lớp trong trường tôi, ai thích học Toán, Lý, Hóa thì về lớp I,K; ai thích học Văn, Sử, Địa thì về lớp C; ai thích học ngoại ngữ thì về lớp D …). Em nhớ thầy, ấn tượng về thầy không phải vì thầy đã chuyển em về lớp K mà vì thầy rất hiền và rất giỏi. Thầy Hoàng Mạnh, người mà tôi đang kể lúc bấy giờ đã chọn tôi làm lớp trường của lớp 11K, tôi cũng không hiểu vì sao thầy chọn (nghe bạn tôi trong lớp nói là tại không đứa nào chịu làm nên thầy chọn tôi – ặc ặc). Có lẽ cũng vì sự phát triển về tâm sinh lý hay vì lý do gì đó mà quãng thời gian học cấp 3 đã để lại cho lũ học trò phá phách chúng tôi nhiều kỷ niệm nhất. Lũ học trò chúng tôi đã làm thầy nhiều lần bị khiển trách vì những trò quậy phá của mình (lớp tôi lúc đó nổi tiếng về lĩnh vực quậy phá trong trường – và tất nhiên học thì cũng không kém). Bị khiển trách, nhắc nhở nhiều nhưng thầy vẫn rất hiền, trong giờ sinh hoạt lớp thầy chỉ nhắc nhở lớp rồi mọi chuyện lại đâu vào đó, thậm chí có nhiều đứa còn chọc phá tiếp đến mức thầy và cả lớp được những trận cười ra trò. Những năm trước, mỗi khi về tết, lũ chúng tôi thường tới thăm thầy (thường tết là ngày chúng tôi về đông đủ nhất), tóc thầy đã bạc nhiều hơn trước (lúc tôi còn đi học tóc thầy đã bạc nhiều rồi), thầy cũng đã già, yếu đi nhiều nhưng thầy vẫn còn nhớ tên từng đứa trong chúng tôi (mặc dù chúng tôi đã khác sưa rất nhiều), thầy vẫn còn rất vui vẻ khi ngồi nói chuyện với chúng tôi, khi chúng tôi kể về những kỷ niệm cũ hay kể về thành công các bạn trong lớp sau này. Hai năm nay, tôi chưa có dịp về quê để tới thăm thầy, chắc chắn năm nay về quê, chúng tôi lại sẽ về bên thầy, để nghe, để kể thầy nghe những câu chuyện về những đứa học sinh của thầy, để được nhìn thấy thầy cười.
Thế rồi tôi đi thi đại học và đậu đại học. Học đại học khác với học ở phổ thông là chúng tôi ít học trên lớp, chủ yếu là tự học hoặc cup học đi chơi … nên sự gắn bó giữa thầy trò không còn được như thời phổ thông. Quãng thời gian học đại học cũng là quãng thời gian tôi chính thức rời vòng tay của cha mẹ để vào đời, cũng chính là quãng thời gian khó khăn đầu tiên của cuộc đời. Tôi vào đời từ đó. Xa cha mẹ, người thân (tôi sống ở nhà người thân 1 khoảng thời gian rồi cũng xin ra ngoài ở). Niềm đam mê của tôi trong quảng thời gian học đại học là hoạt động đoàn. Có một người không dạy tôi kiến thức nhưng đã dạy tôi cách vào đời, cách làm việc, người thầy đã khiến tôi có nhiều thay đổi tích cực để chuẩn bị hành trang vào đời, thầy Phạm Quang Dũng – nguyên Bí thư Đoàn trường ĐH GTVT Tp.HCM. Một sinh viên nghèo, lại xuất thân từ một vùng quê thuần nông, thử hỏi có ai là không tự ti khi bước chân vào một thành phố nhộn nhịp, có tốc độ hội nhập cao như TP.HCM. Tôi mất 2 năm như thế, rất tự ti trước bạn bè trong mọi vấn đề, cuộc sống, học tập, hoạt động … và sự tự ti đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến những hoạt động của tôi trong công tác đoàn. Và chính thầy đã là người chỉ cho tôi biết vì sao phải tự tin? Làm thế nào để tự tin? … và cho đến bây giờ, những bài học căn bản đó vẫn được tôi mang theo mỗi ngày, như một kim chỉ nan để thành công trong công việc và cuộc sống. Xin cảm ơn thầy!
Người thầy cuối cùng mà tôi muốn kể là sách. Đó cũng là thú vui của tôi – tôi có thú vui sưu tầm sách, chẳng để làm gì. Ở nhà có rất nhiều sách chưa bao giờ tôi đọc, thế nhưng tôi vẫn rất thích mua – bây giờ thì ít rồi, phần vì quyết tâm phải đọc hết sách ở nhà thì mới mua (không biết có thực hiện được không), phần vì kinh tế khó khăn (không có tiền mua sách!). Khi còn học cấp 1 và cấp 2, lúc đó tôi thèm được đọc sách, lúc đó nhà nghèo, không có tiền mua sách. Tôi còn nhớ như in có một lần vào năm tôi học lớp 7, bố mua tặng tôi một cuốn sách toán nâng cao lớp 7, đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao lúc đó tôi vui đến như thế. Khi lên cấp 3 tôi mới biết ở huyện có 1 cái thư viện, nhưng số đầu sách ở đó cũng rất ít (lúc đó tuần nào tôi cũng qua thư việc 1 tuần 3 lần). Sau đó, suốt 3 năm cấp 3, tôi may mắn vì được bố đặt mua cho mỗi tháng một số tạp chí “Toán học và tuổi trẻ”. Đó là tất cả những điều kiện đã hình thành nên sở thích sưu tầm sách của tôi. Bây giờ ít có thời gian đọc sách, sách báo mạng cũng nhiều nhưng có lẽ sở thích đó sẽ mãi là sở thích của tôi. Sách nó cũng từng có liên quan đến một ước mơ của tôi từ rất lâu (tôi ước mơ làm chủ một quán café sách). Và cũng bật mí với anh em là nếu có ai định tặng quà cho em thì tặng sách là em vui nhất (hehe).
Thời gian cứ trôi, con người ta lớn rồi già đi nhưng sẽ chẳng bao giờ quên được công ơn những người thầy. Tôn sư – trọng đạo, một truyền thống nghìn đời nay của dân tộc ta và hàng nghìn năm sau nữa nó sẽ vẫn là một truyền thống đầy tính nhân văn của dân tộc.